Thú vị Hội hoa xuân

       Hội hoa xuân TPHCM đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa truyền thống của TP trong dịp tết đến xuân về. “Không những được thưởng lãm các hiện vật hoa - đá - cá - cây độc đáo đến từ mọi miền đất nước mà còn là dịp thêm cho mình hiểu biết, yêu thiên nhiên đất nước” - là cảm nhận chung của các du khách tại Hội hoa xuân.
 
       Chị Giang Thị Thanh Hằng (quận 7, TPHCM): Hiện vật tinh túy, độc đáo
 
       Đến Hội hoa xuân Quý Tỵ 2013 tôi rất bất ngờ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí có giới hạn nhưng ban tổ chức đã nỗ lực chăm chút tuyển chọn các sản phẩm chất lượng. Điểm mới lạ của Hội hoa xuân 2013 nằm ở từng sản phẩm trưng bày.
 
        Sau nhiều ngày chờ đợi, tôi đã được ngắm bông hoa đa tử trà hương quý hiếm nở đúng ngày lễ Tình nhân 14-2. Tuy chưa nở bung nhưng đóa hoa đa tử trà hương đầu tiên hé nở dịu dàng đã làm nức lòng khách du xuân. Đến Hội hoa xuân, tôi được gặp một loại đào cổ của Nhật Tân (Hà Nội) - đào Thất thốn - thứ hoa vương giả, quý hiếm nhất trong các loại hoa đào. Cứ ngỡ cây “bóng bẩy” thế nào, ai dè toàn thể cây khô khốc, xù xì như cành củi khô. Đối lập với vẻ xấu xí của cây, mỗi thốn cành cây dài chừng 7cm có thể nở tới 7 bông hoa, tên gọi Thất thốn là vậy. Trên những cành cây khắc khổ, từng nụ hoa mập mạp còn cánh hoa đào hồng tươi.
 
        Thật là diệu kỳ! Lan rừng lại mang tới vẻ đẹp hoang dại mà kiêu sa. Lần đầu tiên tôi được xem lan ý thảo đột biến màu trắng tinh khôi vô cùng quý hiếm. Đá cảnh năm nay có nhiều vân mạch mới lạ và nhiều điểm khuyết (vết lõm) tự nhiên, tạo chiều sâu cho hiện vật rất độc đáo.
 
        Ông Nguyễn Hoàng Hà (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM):Làm giàu thêm cuộc sống
 
        Sau những ngày tháng lao động mệt mỏi, đến Hội hoa xuân tôi và gia đình được nghỉ ngơi, thả hồn vào không gian thiên nhiên đa dạng đủ sắc màu. Thưởng ngoạn mới thấy hiểu biết của mình còn hạn hẹp. Chúng tôi cũng sưu tập được một số bí quyết chăm sóc sức khỏe từ những loài cây cỏ thân quen khi tham quan khu cây thuốc trong Hội hoa xuân. Tưởng xương rồng chỉ ưa nắng gió, khi thấy một phần khu vực trưng bày xương rồng được che chắn cẩn thận mới biết thực tế có nhiều loại “hoa của sa mạc” chỉ ưa bóng râm hoặc nắng vừa.
 
        Ngoài làm kiểng, xương rồng còn dùng làm thực phẩm, làm đẹp, làm thuốc. Đặc biệt, đến đây chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện thân mật với các nghệ nhân tâm huyết và làm quen thêm nhiều bạn mới để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trong vườn nhà. Xúc động nhất là những người lớn lên từ vùng quê rồi ở lại Sài Gòn như chúng tôi được gặp lại quê nhà qua hình ảnh thân thuộc cổng làng, lũy tre, ruộng lúa, đàn cò.
 
        Các con cháu tôi cũng cảm thấy rất xúc động khi được nghe, được biết thêm các câu chuyện gắn liền với lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc qua các chủ đề được lồng ghép khéo léo, tự nhiên trong Hội hoa xuân.
 
        Bà Võ Thị Hoàng Yến (ngụ quận 1, TPHCM): Cần chú dẫn nhiều hơn
 
        Khu vực cây quý hiếm, từng loại cây đều có bảng chú giải rõ ràng tên gọi, đặc điểm của cây nên chúng tôi vừa ngắm vừa đối chiếu lời hướng dẫn để cảm nhận vẻ đẹp của cây dễ dàng. Nếu các khu vực khác, ban tổ chức cũng có những hướng dẫn ngắn gọn về điểm nổi bật, độc đáo của cây thì tốt quá. Ở khu vực cây ghép, nhiều khi tôi chỉ biết một chậu có nhiều loại cây chứ không biết cây gì ghép với cây gì. Nhiều cây đẹp quá nhưng không biết tên, đặc điểm thế nào? Thật tiếc khi với những người không chuyên hoa - đá - cá - cây như chúng tôi, nhiều hiện vật quý hiếm có khi lại bị bỏ qua vì chúng tôi không nhận ra được.
 
        Hình: Cây mai đoạt giải Đặc biệt tại Hội hoa xuân 2013. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN